Thời tiết Tháng Giêng ở Điện Biên như thử thách lòng người. Đêm lạnh, ngày nắng nóng gay gắt. Núi rừng Tây Bắc không phải nơi dành cho những người ngại việc, ngại đi.
Kỳ 1: Sốp Cộp - còn đó gian nan
Sau 4 ngày đi đường, hôm nay chúng tôi đã cùng Xăng dầu đến tới CHXD số 15 Mường Nhé - Miền cực tây của Tổ quốc.
Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Petrolimex Điện Biên Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trước đây, đến được Mường Nhé, lên A Pa Chải là mơ ước của rất nhiều người vì đường đi cực kỳ khó khăn, gian khổ. Bây giờ, đường xá tốt hơn rất nhiều nhưng cũng mất khoảng 6-7 tiếng đi từ Điện Biên mới vào tới Mường Nhé. Nếu thời tiết thuận lợi, anh em Công ty vào làm việc với Mường Nhé phải mất trọn 1 ngày. Đấy là đi xe con, còn xe téc thì phải dậy thật sớm nếu không thì phải ngủ dọc đường”.
Mường Nhé là huyện vùng cao nghèo nhất trong 65 huyện nghèo của cả nước. Huyện có 11 xã, trong đó 6 xã biên giới, dân số khoảng hơn 3,5 vạn người với 10 dân tộc anh em, đa số là dân tộc Mông và Hà Nhì.
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Điện Biên, là ngã ba biên giới có đường biên dài 206 km giữa Việt Nam với hai nước láng giềng là Lào và Trung Quốc, Mường Nhé có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh biên giới của tỉnh và quốc gia. Điểm cực Tây của Tổ quốc tại độ cao 1.864 m so với mực nước biển là A Pa Chải - Tá Miếu (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) lâu nay được biết đến là vùng "1 con gà gáy, cả 3 nước đều nghe thấy" và là 1 trong 2 ngã ba biên giới đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam (cùng với Ngã ba Đông Dương thuộc xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum).
Khung cảnh đẹp như tranh của thung lũng Mường Chà, đèo Cò Chạy, đèo Ma Thì Hồ,... và những bản làng rực rỡ bên màu xanh ngát cứ lần lượt hiện ra qua cửa kính xe.
Thung lũng Mường Chà
210 km từ trung tâm Điện Biên vào đến Mường Nhé, nắng gay gắt rọi thẳng đỉnh đầu. Khi xe liên tục vặn phải, vặn trái vượt dốc tức, vào khúc cua tay áo, chữ chi, anh Bình tiếp tục câu chuyện về hai con đèo hiểm trở: “Đèo Cò Chạy nghĩa là “cao hơn cả những cánh cò” nên loài chim di cư này không bay qua được, chỉ có thể chạy qua đèo để sang phía bên kia. Tiếp nối là đèo Ma Thì Hồ vô cùng nguy hiểm bởi thường xuyên sạt lở vào mùa mưa lũ. Anh em lái xe lâu nay đi qua cung đường này vẫn thường chia sẻ, nhắc nhở nhau nhiều tai nạn xương máu.”
Thời điểm Đoàn làm phim “Petrolimex ký sự” đi ghi hình được coi là có thời tiết tốt nhất để tới Mường Nhé, tới A Pa Chải. Vào mùa mưa, hệ số an toàn giao thông thấp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, sạt lở đường rất cao khiến nhiều phương tiện không dám mạo hiểm đến những nơi này.
Đoàn chúng tôi dừng nghỉ trưa tại một quán nhỏ ven đường, anh Phạm Huy Toàn tâm sự: “Chuyện mưa dầm, nắng gắt, mây mù là nhỏ. Cái lo ngại nhất là sạt lở đường. Miền Tây Bắc với địa hình núi cao dốc đứng, chỉ cần vài trận mưa là đất lở, đá lăn. Lực lượng giải tỏa cũng không thể giải quyết nhanh được. Xe phải nằm lại, người ở lại cùng xe”.
Bữa trưa đơn sơ mà vui vẻ
Trên đường vào Mường Nhé, chúng tôi thấy nhiều xe khách, xe chở hàng và cả nhóm đi phượt bằng xe máy cũng có. Xe cộ giờ đây đi lại thuận tiện bởi đường tốt hơn và không thiếu xăng dầu. Điều thú vị là CHXD Petrolimex được đưa vào bản đồ của “dân phượt” làm các mốc định hướng, dừng nghỉ an toàn, tiếp sức cho cả người và xe trên hành trình đến với Miền cực Tây Tổ quốc.
Vừa đi vừa thực hiện cảnh quay, chúng tôi đến Mường Nhé khi mặt trời gửi tặng những ánh nắng cuối ngày đỏ rực lên nền trời xanh thẫm. Mường Nhé trong màu xanh của núi rừng, màu vàng cam của con đường chờ trải nhựa, nếp nhà sàn tỏa khói ấm lam chiều thật là êm đềm, thơ mộng.
Anh Lê Văn Quân và Phạm Huy Toàn thuần thục nối ống vào bể chứa để bơm hàng dù mọi người hối thúc nghỉ ngơi, ăn tối.
Giao xăng dầu tại Mường Nhé
Bữa cơm tối ấm áp không khí gia đình. 5 anh em CHXD Mường Nhé gồm 2 người dân tộc Kinh, 3 người dân tộc Thái quây quần cùng anh em đoàn phim SCTV, PTS Hà Tây và Petrolimex Điện Biên.
Anh Phạm Ngọc Thạch là Cửa hàng trưởng thứ 3 kể từ khi CHXD Mường Nhé được thành lập vào tháng 10/2007. Trước đó, Cửa hàng trưởng là các anh Nguyễn Tuấn Anh (từ 2007-2012) và Hà Văn Thế (từ 2013-2014).
Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé |
Anh Phạm Ngọc Thạch tự hào nói: “Ở đây xăng dầu chỉ có Petrolimex thôi nên lãnh đạo rất quan tâm, bà con thì hoàn toàn yên tâm, tin tưởng, quý mến chúng tôi như người nhà”. Điều đó làm anh em chúng tôi vui lắm.
Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Lù Văn Thanh nói với chúng tôi:"Lãnh đạo huyện đánh giá rất cao nỗ lực, trách nhiệm của Công ty Xăng dầu Điện Biên thông qua CHXD số 15 Mường Nhé. Có xăng dầu và các hàng hóa khác của Petrolimex, bà con mua sắm xe máy về chợ huyện sắm sửa đồ dùng, không phải qua biên giới như trước; tình hình an ninh trên tuyến biên giới được kiểm soát tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rõ nét; người dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương; tình đoàn kết các dân tộc ngày thêm bền chặt”.
Đoàn chúng tôi ấm lòng, xúc động, tự hào khi nghe những lời nhận xét của vị lãnh đạo huyện. Sự nỗ lực được ghi nhận, được trân trọng, được chân tình - thế là quên hết mọi gian nan.
Đường lên Tây Bắc – “vội vã trở về vội vã ra đi”
Những cảnh ghi hình cuối cùng của hành trình cùng Xăng dầu lên Tây Bắc đã hoàn thành.
Sáng sớm hôm sau, 2 chiếc xe téc PTS Hà Tây lại vội vã trở về Bến xuất Đỗ Xá - Kho Xăng dầu K 133.
Họ vừa có một chuyến hàng lên Tây Bắc thong thả nhất, ung dung nhất để phục vụ đoàn làm phim.
Còn bình thường, lúc nào họ cũng vội vã, dường như gần 800 km đường lên Tây Bắc, những dốc Cun mưa phùn, đèo Thung Khe mờ ảo, Sốp Cộp yên bình, đèo Pha Đin hùng vĩ và Mường Nhé êm đềm thơ mộng là nhà của họ, luôn chờ đợi họ trở về.
Ai yêu Mường Nhé thì lên …
Ngày qua ngày, đêm qua đêm chúng tôi vẫn miệt mài cõng chữ P lên ngànđến với đồng bào các dân tộc Miền Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc mình (Ảnh: Bùi Văn Thường - Phó giám đốc PTS Hà Tây)