13/3 là Ngày truyền thống Ngành Xăng dầu Việt Nam

 08:16 SA @ Thứ Ba - 16 Tháng Ba, 2021

Lịch sử hoạt động ngành hàng Xăng dầu Việt Nam gắn liền với phong trào công nhân xăng dầu, từ vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột mà khởi đầu là sự kiện Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13.3.1928.

Từ một lực lượng công nhân xăng dầu nhỏ bé đầu tiên làm ở Sở dầu Thượng Lý, kho dầu Nhà Bè thời Pháp thuộc đến các “chiến sĩ - công nhân xăng dầu” thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và ngày nay đã phát triển thành đội ngũ lớn mạnh cả về quy mô lực lượng, trình độ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, tập hợp trên 26 ngàn đoàn viên công đoàn, CNVC-LĐ hoạt động trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Trên cơ sở tập hợp các sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của ngành đối với đất nước đồng thời tiếp thu ý kiến của: Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam; Thành ủy Hải Phòng, Công đoàn Công Thương Việt Nam; Các cán bộ lão thành, Anh hùng Lao động; các đ/c nguyên Lãnh đạo Đảng, chính quyền, Công đoàn TCTy qua các thời kỳ; BCH Đảng ủy, thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc TCTy, Ủy viên BCH Công đoàn, Hội cựu chiến binh, BCH Đoàn Thanh niên TCTy đương nhiệm; Đảng ủy, Lãnh đạo và BCH Công đoàn các công ty trực thuộc; Đông đảo cán bộ, CNVC-LĐ đã, đang công tác tại Văn phòng TCTy và các công ty trực thuộc TCTy,... Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xây dựng Đề án về Truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam.

Ngày 15.02.2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13 tháng 3 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Xăng dầu Việt Nam".

Để các thế hệ cán bộ, CNVC-LĐ ôn lại và tự hào về thành tích vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; thông qua đó giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ban biên tập website www.petrolimex.com.vn trân trọng giới thiệu Đề án:

TRUYỀN THỐNG NGÀNH XĂNG DẦU VIỆT NAM

I- Sự xuất hiện hoạt động cung cấp xăng dầu và hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam

Năm 1858, quân đội Pháp đánh phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam, cùng với đó là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (1897-1914) của thực dân Pháp ở nước ta; xăng dầu và những mặt hàng kỹ thuật tinh xảo khác của văn minh phương Tây đã có mặt ở Việt Nam. Kể từ đó đã xuất hiện đội ngũ những người làm nghề khai mỏ, xi măng, trồng cao su, dệt vải, hỏa xa và xăng dầu trên đất nước Việt Nam.

Từ năm 1898, tư bản xăng dầu phương Tây đã đến Cảng Nhà Bè, Cảng Hải Phòng và lựa chọn địa điểm Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè và Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (ngày nay thuộc PETROLIMEX) làm lãnh địa để hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Sự có mặt của các hãng dầu SHELL, CALTEX, ESSO đã xuất hiện hoạt động cung cấp xăng dầu và những người làm nghề xăng dầu ở Nhà Bè, Thượng Lý đã hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam.

II- Khái quát về lịch sử phát triển ngành Xăng dầu Việt Nam và vai trò của công nhân xăng dầu Việt Nam

1- Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ dưới thời Pháp thuộc, sự có mặt của các hãng dầu trước hết nhằm cung cấp xăng dầu cho cuộc chiến xâm lược, phục vụ cho quân đội viễn chinh Pháp và đời sống của bọn thực dân. Một phần nhỏ tuy có phục vụ cho sự phát triển của nền công nghiệp thuộc địa và sinh hoạt của nhân dân, nhưng cơ bản vẫn là một ngành kinh doanh của giới tư bản, kiếm lợi nhuận tối đa bằng cách bóc lột sức lao động của người bản địa. Công nhân xăng dầu phải làm việc trong điều kiện lao động hết sức vất vả, khắc nghiệt và nguy hiểm; họ thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt tiền lương và đe dọa sa thải. Đội ngũ này bước đầu có ý thức giai cấp và dân tộc, chính vì vậy những người cộng sản đã cử cán bộ ưu tú đến với công nhân xăng dầu (ở ngoài Bắc, các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Cộng Hòa đã đến với Sở dầu Thượng Lý; ở trong Nam, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương làm thợ Hãng dầu Nhà Bè). Từ khi có hoạt động của những người cộng sản và tổ chức Đảng, tại Kho dầu Thượng Lý và Nhà Bè luôn nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân xăng dầu, tiêu biểu là:

- Ngày 13.3.1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh Chủ tịch Công hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện Bí thư Liên khu B; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, công nhân Sở dầu sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, công nhân Sở dầu sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong số 500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi và được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu. Cuộc đấu tranh của công nhân Sở dầu Thượng Lý có tiếng vang lớn khảng định vai trò tam giác công nghiệp (Xi măng - Cảng - Sở dầu) ở Hải Phòng, một trung tâm của phong trào công nhân Việt Nam khi đó.

Năm 1929, Chi bộ Đảng Sở dầu Thượng Lý là một trong 14 Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng được thành lập; nhiều chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên hoạt động trong các cơ sở xăng dầu đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng.

- Ngày 31.01.1931, công nhân Sở dầu Thượng Lý đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực như không được giãn thợ, bỏ lệ đánh đập, đặt luật bảo hiểm cho thợ thuyền, thả người bị bắt,...

- Tháng 02/1931, công nhân xăng dầu Nhà Bè đấu tranh đòi chủ hãng dầu Pháp - Á bãi bỏ việc cúp lương, sa thải công nhân, cải thiện điều kiện làm việc,...

Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa quân dân Hải Phòng và công nhân Sở dầu Thượng Lý (cung cấp bản đồ sở dầu,…) đã góp phần vào thắng lợi đêm 18.6.1953 tại Sở dầu Thượng Lý, thiêu huỷ hàng chục triệu lít xăng, đốt cháy 300 xe cơ giới các loại của Pháp. Chiến công đó, cùng với các chiến trường khác ở khắp mọi miền đất nước đã góp phần đáng kể làm lên thắng lợi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07.5.1954.

Trong thời gian thực hiện Hiệp định Giơnevơ, công nhân Sở dầu Thượng Lý đã đấu tranh quyết liệt trước âm mưu tháo gỡ, phá huỷ các trang thiết bị, máy móc của thực dân Pháp trước khi rút quân. Đây cũng là nền tảng cơ sở để chuẩn bị điều kiện cần thiết ra đời Ngành xăng dầu Việt Nam dưới chế độ mới.

Có thể nói, cuộc vận động cách mạng dành chính quyền trong hơn nửa thế kỷ, người công nhân xăng dầu Việt Nam luôn có mặt và đóng góp ở vị trí xứng đáng trong đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam.

2- Sự ra đời và quá trình phát triển của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng; ngày 29.7.1955, đồng chí Đỗ Mười - Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hải Phòng (nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) đã ký lệnh trưng dụng Sở dầu Thượng Lý - dấu mốc quan trọng cho sự ra đời ngành Xăng dầu Việt Nam và ngày 29.7.1955 trở thành ngày thành lập Công ty Xăng dầu Khu vực III ngày nay.

Việc cung cấp xăng dầu cho miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế và xây dựng đất nước ngày một gia tăng. Với vị trí thiết yếu của loại vật tư chiến lược và tính chất phức tạp trong khâu quản lý và phân phối xăng dầu; ngày 12.01.1956, Bộ Thương nghiệp đã ban hành Quyết định số 09/BTN thành lập Tổng Công ty Xăng dầu mỡ - tiền thân của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam ngày nay.

Trên cơ sở kế thừa cơ sở vật chất, con người, truyền thống Ngành xăng dầu, TCTy đã trải qua những chặng đường xây dựng, chiến đấu, đổi mới, phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho trong mọi thời kỳ và được khái quát qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn từ năm 1956 đến năm 1975

Cùng với tiếp quản, khôi phục Sở dầu Thượng Lý, TCTy đã khẩn trương tiến hành xây dựng các kho mới ở Đức Giang, Bến Thủy, Việt Trì, Nam Định và Bắc Giang để phục vụ kịp thời nhu cầu xăng dầu của các khu công nghiệp và các vùng kinh tế quan trọng, sau đó mở rộng hoạt động cung cấp xăng dầu trong phạm vi toàn miền Bắc; thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho sự nghiệp khôi phục, phát triển kinh tế để xây dựng CNXH và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc

Để đảm bảo xăng dầu chi viện cho tiền tuyến, TCTy phối hợp với quân đội đưa xăng dầu bằng đường ống dã chiến vào chiến trường miền Nam; đồng thời, tổ chức Đoàn xe 195, 164 và đội xe của các Công ty xăng dầu làm nhiệm vụ vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam; cung cấp đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, góp phần cùng quân dân cả nước làm lên chiến công vang dội chiến dịch đại thắng mùa xuân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt lên những hy sinh, gian khổ ác liệt, các thế hệ cán bộ, CNVC-LĐ TCTy đã thể hiện phẩm chất anh hùng cách mạng, xứng danh “người chiến sỹ” đã đánh thắng giặc Mỹ trên “mặt trận xăng dầu”. Đã có nhiều gương chiến đấu dũng cảm vì nguồn xăng dầu cho Tổ quốc; 38 cán bộ, CNVC-LĐ đã hy sinh xương máu, trong đó có 21 liệt sỹ - người tiêu biểu là Nguyễn Văn Mậu nhân viên bảo vệ Kho xăng dầu Thượng Lý; Lê Xuân Ba - cán bộ bảo vệ Kho xăng dầu Đức Giang - Hà Nội; Nguyễn Đăng Giai - công nhân xăng dầu Nghệ An; Phạm Văn Đạt - Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu…; 17 người bị thương nặng, mất khả năng lao động, giảm sút sức khoẻ lâu dài, tiêu biểu là Tổng giám đốc Nguyễn Đình Trạm bị thương nặng phải cắt nhiều rẻ sườn mới lấy được mảnh đạn trong phổi cứu sống đồng chí trở lại và hàng trăm người bị thương khác.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ chủ chốt của TCTy đựợc điều động tham gia tiếp quản các công sở, kho tàng, hệ thống cửa hàng xăng dầu, cảm hóa công nhân của các hãng để tổ chức kịp thời cung cấp xăng dầu từ Huế, Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Tổng kết thành tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 đơn vị thành viên của TCTy và danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Lê Văn Thiêm - Chủ nhiệm Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh.

Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1986

Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ phân tán chuyển sang tập trung, ngành xăng dầu đứng trước vận hội và cũng là những thử thách mới. TCTy bắt tay khôi phục các cơ sở xăng dầu bị tàn phá ở miền Bắc, tiếp quản các cơ sở xăng dầu và tổ chức mạng lưới cung ứng xăng dầu ở các tỉnh phía Nam.

Vừa ra khỏi chiến tranh kéo dài mà hậu quả chưa thể khắc phục được ngay, nông nghiệp liên tiếp bị thiên tai khắc nghiệt tàn phá. Những năm 1978-1979, nước ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, phải đương đầu với những khó khăn thử thách gay go, ác liệt do bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, phần do cơ chế quản lý tập trung bao cấp kéo dài phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội.

Vượt lên trên tất cả, khắc phục những khó khăn, tập thể cán bộ, CNVC-LĐ TCTy đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, quốc phòng và đời sống nhân dân đáp ứng yêu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước góp phần quan trọng vào chiến công chung của cả dân tộc ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Tổng công ty (12.01.1956-12.01.1986), Nhà nước đã tặng thưởng tập thể CBCNV TCTy Huân chương Độc lập hạng Nhì và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đồng chí Nguyễn Bá Hựu - Giám đốc Tổng kho Xăng dầu Đức Giang.

Giai đoạn từ năm 1986 đến nay

TCTy thực hiện chiến lược đổi mới và phát triển theo đường lối của Đảng và Nhà nước, từng bước chuyển hoạt động kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. TCTy đồng thời thực hiện đổi mới trên 3 phương diện: Cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức, giá cả, tổ chức kinh doanh; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công nghệ thông tin. Chủ động tổ chức, điều hành toàn bộ quá trình kinh doanh xăng dầu từ khâu nhập khẩu, tiếp nhận, vận tải, cải tiến phương thức và mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tới người tiêu dùng.

Chuyển từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh, từ đơn vị chỉ có nhiệm vụ thuần túy là tiếp nhận, bảo quản và cấp phát xăng dầu theo lệnh sang một doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đảm bảo nhu cầu xăng dầu của toàn xã hội, chỉ đạo, điều tiết và ổn định giá xăng dầu, Petrolimex đã không ngừng trưởng thành và phát triển.

Nhất quán tư tưởng chiến lược xây dựng Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh và bền vững. Thực hiện tốt Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15.12.2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty luôn chủ động phát huy vai trò chủ đạo, đảm bảo bình ổn thị trường xăng dầu theo mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ. Tái cấu trúc, cổ phần hóa và tiến tới hình thành Tập đoàn Xăng dầu quốc gia đa sở hữu, phát triển mạnh và bền vững trong thời kỳ đổi mới và Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Đến nay, TCTy Xăng dầu Việt Nam là tổ chức có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và màng lưới kinh doanh xăng dầu phủ kín trên địa bàn cả nước. Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, TCTy Xăng dầu Việt Nam không ngừng vươn lên và liên tục phát triển, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong công cuộc kháng chiến cứu nước và xây dựng Tổ quốc. Ngày nay, là doanh nghiệp xếp hạng đặc biệt, TCTy tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực cung cấp xăng dầu, các sản phẩm hoá dầu cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, tiêu dùng xã hội và tham gia bình ổn thị trường xăng dầu nội địa, góp phần đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Tổng công ty (12.01.1956-12.01.2006), Nhà nước đã tặng thưởng tập thể CBCNV TCTy Huân chương Hồ Chí Minh và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 6 tập thể và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Thu - Giám đốc Công ty Xăng dầu Tiền Giang.

Cán bộ, đoàn viên Công đoàn Tổng Công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2004), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2009), nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua xuất sắc toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Có thể nói, trải qua hơn 122 năm có mặt ở Việt Nam (kể từ năm 1898), dấu ấn lịch sử hoạt động ngành hàng Xăng dầu Việt Nam mà điểm nhấn đậm nét là Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13.3.1928 và là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của các thế hệ công nhân xăng dầu./.

Nguồn:  Petrolimex
Petrolimex