TCCTThương hiệu “mềm” cũng chính là văn hóa Petrolimex, truyền thống Petrolimex, tính cộng đồng trách nhiệm của Petrolimex, đặc biệt là tính tiên phong của Petrolimex. Và tính tiên phong ở mức độ cao nhất chính là, mọi phong trào do Công đoàn phát động, đều gắn bám sát thực tiễn sản xuất kinh doanh ở cơ sở, khơi dậy được tinh thần làm chủ của người lao động.
Những tháng ngày qua là thời khắc vô cùng tươi đẹp với gần 30.000 cán bộ, người lao độngPetrolimex. Ngay từ đầu năm 2020, Tập đoàn giao cho Công đoàn Xăng dầu Việt Nam phối hợp các Ban nghiệp vụ xây dựng, tổ chức một Chương trình có quy mô lớn hướng đến các sự kiện trọng đại của đất nước và kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Tập đoàn (12/1/2021).
Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động, đặc biệt là sự kiện được được mong chờ nhất: Hội thao của 8 cụm trên toàn quốc đã không thể diễn ra. Ngay trong tình thế không được phép tập trung đông người, Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm với những hình thức phù hợp.
Với thông điệp “Mỗi bước chạy – Một tấm lòng”, Giải chạy 65 năm Petrolimex được tổ chức online, làm tăng thêm sự gắn bó, đoàn kết giữa cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn ngành.
Ông Nguyễn Xuân Tương - Phó chủ tịch phụ trách Công đoàn Xăng dầu Việt Nam trao giải Nam/Nữ đạt 130Km nhanh nhất
Đặc biệt hơn, mỗi bước chạy của các VĐV đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mỗi km đạt được sẽ giúp tạo ra 1.000 đồng góp vào quỹ từ thiện ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng trong dịp kỷ niệm 65 năm và Tết Nguyên đán 2021.
Đồng thời, với sự tuyên truyền vận động tích cực của các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chương trình “Giọt Xăng hồng - Giọt Dầu đỏ” đã tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, đến nay đã thu được hàng ngàn đơn vị máu đóng góp cho Ngân hàng máu quốc gia.
Một điểm nhấn khác là Công đoàn đã định hướng sang các đơn vị thành viên tổ chức các hội thi ngành nghề. Hội thi ngành nghề cấp tỉnh, cấp khu vực có ưu điểm là không tập trung quá đông người, không tạo ra luồng di chuyển giữa các vùng nên đảm bảo điều kiện giãn cách xã hội đúng quy định. Trong năm 2020, Công đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc thi Cửa hàng Trưởng giỏi tại Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Quảng Bình và Bắc Tây Nguyên.
Vì sao Công đoàn có thể nhanh chóng chuyển hướng và khai thác được các hoạt động phong trào phù hợp ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh? Ông Nguyễn Xuân Tương, Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết: “Gọi là hoạt động phong trào nhưng đây cũng là cách bảo vệ người lao động chủ động nhất”.
Chừng như thấy tôi chưa hiểu, ông giải thích thêm: Chị biết đấy, dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn xã hội, nhưng với Petrolimex chịu ảnh hưởng kép. Nhu cầu tiêu dùng giảm và giá thành giảm mạnh. Vấn đề đặt ra là thu nhập của gần 30.000 lao động bị giảm. Vì thế, Tập đoàn đã dành cho người lao động được hưởng quyền lợi tốt nhất trong hoàn cảnh khó khăn, như đối với lãnh đạo Tập đoàn từ Trưởng ban trở lên giảm 20% lương; chánh, phó giám đốc các đơn vị thành viên giảm 15%, nhưng riêng người lao động chỉ giảm 6%. Về phía Công đoàn, tổ chức hội thi bán hàng giúp người lao động nâng cao kỹ năng bán hàng; từ đó nâng cao sản lượng bán hàng và cũng chính là nâng cao thu nhập cho người lao động.
Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Văn Sự trao giải nhất Hội thi tặng thí sinh Quang Thành Tài - CHT CHXD 35
Nói rồi ông kể cho tôi nghe về một hội thi hồi tháng 6 năm 2020. Đó là vòng chung kết Hội thi Cửa hàng trưởng giỏi năm 2020 tại Petrolimex Nam Định - Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh với 10 thí sinh là những Cửa hàng trưởng, Ca trưởng tiêu biểu nhất của 3 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Để có mặt tại vòng chung kết, họ phải vượt qua gần 100 thí sinh từ cuộc thi cấp cơ sở trước đó.
Theo ông, hội thi giúp các thí sinh thể hiện hết năng lực bản thân, vận dụng các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm để giải quyết một cách thuyết phục, hiệu quả các tình huống trong nhiều lĩnh vực khá đặc thù của nghề bán lẻ xăng dầu, như tổ chức bán hàng văn minh, chuyên nghiệp; nắm vững các chính sách kinh doanh, quy định về quản lý kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ, kỹ thuật thương phẩm xăng dầu, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chế độ chính sách với người lao động…
Các hội thi ở các đơn vị thuộc hệ thống Petrolimex không chỉ khơi dậy tinh thần học hỏi, hăng say lao động, mà còn là cơ hội bồi dưỡng nghiệp vụ bán hàng, nâng cao kỹ năng chăm sóc khách hàng, tạo hình ảnh uy tín, chuyên nghiệp của hàng hóa và dịch vụ Petrolimex.
Quả thực nếu 6 tháng đầu năm, Petrolimex bị dịch COVID-19 giáng 1 đòn choáng váng khiến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhiên liệu bay bị sụt giảm nặng nề, lỗ 1.600 tỷ đồng thì đến 9 tháng toàn hệ thống đã vượt qua số âm, lãi 3 tỷ đồng. Kết thúc năm 2020, dù trải qua 2 đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 và tháng 8, cộng với giá xăng dầu giảm mạnh gây giảm giá hàng tồn kho, nguồn cung không ổn định… nhưng kết quả kinh doanh hết sức khả quan.
Cụ thể, tổng sản lượng xuất bán hợp nhất của Petrolimex năm 2020 ước đạt hơn 11,3 triệu m3/tấn, đạt 103% kế hoạch. Doanh thu cả năm của Tập đoàn ước đạt 123.600 tỷ đồng, tương ứng 101% chỉ tiêu đặt ra năm nay. Petrolimex đã nộp vào ngân sách nhà nước 38.500 tỷ đồng, vượt 5% mục tiêu năm.
Sản lượng và doanh thu Petrolimex vượt kế hoạch có một phần rất lớn đến từ hình ảnh, uy tín của thương hiệu chữ “P”. Nhiều năm nay, chúng ta từng nghe đến nơi này nơi kia “lập lờ đánh lận con đen”, thương nhân phân phối xăng dầu sử dụng nhái nhãn hiệu Petrolimex gây nhầm lẫn cho khách hàng và công chúng.
Tập đoàn có hẳn một chiến lược đấu tranh bảo vệ thương hiệu, cũng như chủ động hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, như đưa ra 9 dấu hiệu cơ bản nhận diện CHXD Petrolimex, từ Trang phục BHLĐ nam nữ công nhân, Biển báo mặt hàng kinh doanh đến Bảng giá, Cột bơm, Diềm mái che cột bơm…
Hội thi Cửa hàng trưởng giỏi năm 2020 - Petrolimex Gia Lai
Cùng với đó, Công đoàn cũng xây dựng một chương trình người lao động tham gia bảo vệ nhận diện thương hiệu bằng các kĩ năng mềm. Đó là quy trình bán hàng 5 bước, là tinh thần thái độ phục vụ, khả năng ứng xử, chất lượng dịch vụ… Đây cũng chính là “dấu hiệu nhận diện” thương hiệu Petrolimex, rất khó để bắt chước. Và nói như Phó Chủ tịch phụ trách Công đoàn Xăng dầu Việt Nam Nguyễn Xuân Tương: “Thương nhân khác nhái thương hiệu “cứng” là vi phạm pháp luật, nhưng nhái thương hiệu “mềm” thì chúng tôi hoan nghênh, mừng cho xã hội, mừng cho hoạt động bán lẻ hàng ngày càng văn minh hơn”.
Thương hiệu “mềm” cũng chính là văn hóa Petrolimex, truyền thống Petrolimex, tính cộng đồng trách nhiệm của Petrolimex, đặc biệt là tính tiên phong của Petrolimex. Và tính tiên phong ở mức độ cao nhất chính là, mọi phong trào do Công đoàn phát động, đều gắn bám sát thực tiễn sản xuất kinh doanh ở cơ sở, khơi dậy được tinh thần làm chủ của người lao động.