Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 228 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nằm trong quy hoạch chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động hoặc chưa có giấy phép xây dựng.
Cửa hàng xăng dầu Kỳ Phương (Diễn Châu) kinh doanh chung với nhà ở
Theo chỉ đạo, đến ngày 30/6/2017, các cửa hàng này phải khắc phục các tồn tại nếu không sẽ bị xóa bỏ hoặc di dời. Thế nhưng giờ đã sang tháng 7, việc xử lý vẫn chỉ nằm trên giấy.
Do nhu cầu phục vụ tàu thuyền cùng với sự quản lý chưa chặt chẽ từ nhiều năm trước, đến nay, vẫn còn một số cửa hàng xăng dầu nhỏ không phép, tự ý xây dựng nhưng không đủ điều kiện kinh doanh hoặc chưa có giấy phép xây dựng. Theo ông Trần Nhân- xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, cây dầu của gia đình ông đã phục vụ tàu thuyền ngư dân vào ra Lạch Vạn gần 30 năm nay. Vì ở thời điểm ra đời, Nhà nước chưa ban hành những quy định như sau này, nên cửa hàng xăng dầu của gia đình ông không đảm bảo quy chuẩn. Đây là một trong số 22 cửa hàng nằm trong diện phải cải tạo, nâng cấp của huyện Diễn Châu trong đợt này.
"Vừa qua, Sở Xây dựng đã về xem xét, thiết kế để cây dầu của gia đình xây dựng theo đúng quy chuẩn. Sẽ chuyển téc nằm riêng, đồng hồ nằm riêng để chống cháy nổ. Tôi cũng rất mong chờ và hoan nghênh chủ trương để đảm bảo an toàn cho bà con kinh doanh:, ông Nhân cho biết thêm.
Xây dựng và hoạt động từ năm 1997, cửa hàng xăng dầu thuộc Trung tâm thương mại tổng hợp huyện Tương Dương làm nhiệm vụ cung ứng mặt hàng dầu hỏa thắp sáng cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Theo quy chuẩn hiện hành, cửa hàng không đáp ứng về diện tích kinh doanh lại nằm giữa khu dân cư, ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy nổ nên phải di dời trước năm 2017.
Ông Nguyễn Trọng Ngọc- Giám đốc Trung tâm thương mại tổng hợp huyện Tương Dương lo lắng: Yêu cầu trong năm 2017 phải di dời thật sự là quá khó khăn đối với chúng tôi. Tôi đề nghị phải có lộ trình để thực hiện bởi nguồn kinh phí cũng đang còn rất hạn hẹp. Hiện nay, tồn tại của các cửa hàng xăng dầu chủ yếu ở hai dạng: ven các tuyến đường bộ và ven sông, lạch biển.
Tồn tại nhiều cây xăng dầu không phép
Tại huyện Diễn Châu, các cửa hàng xăng dầu ở các cảng cá đang được từng bước xử lý theo Quyết định 78 của UBND tỉnh. Còn trên đường bộ, sau quá trình mở rộng, nâng cấp, việc giải quyết các cửa hàng xăng dầu đang gặp không ít vướng mắc do vi phạm chỉ giới hành lang giao thông, diện tích và độ rộng không đảm bảo. Chưa kể các nội dung liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất và phòng cháy chữa cháy.
Ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Diễn Châu cho rằng: Trong quá trình kinh doanh, cơ bản các hộ dân đã cầm cố bìa đất nên muốn chuyển đổi từ đất ở sang kinh doanh sẽ rất khó. Phải trả nợ ngân hàng để làm thủ tục chuyển đổi. Chuyển đổi xong khi cầm cố để vay chắc chắn giá trị sẽ thấp hơn. Thứ hai, khó khăn nhất là công tác phòng cháy do liên quan đến thiết kế xây dựng.
Vừa qua, Sở Công Thương Nghệ An đã có Công văn số 775 báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Nghệ An một số giải pháp để tháo gỡ cho chính quyền các huyện và chủ các cửa hàng xăng dầu. Nhưng để tháo gỡ được những vướng mắc này đúng lộ trình là một việc làm không dễ. Bởi đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn tồn tại trên 650 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, nhiều hơn so với con số quy hoạch đến năm 2020 là 230 cửa hàng. Số còn lại nằm trong diện phải cải tạo, nâng cấp hoặc là di dời, xóa bỏ.
Như vậy, việc giải quyết tồn tại, vướng mắc đòi hỏi phải có lộ trình để đảm bảo hài hòa giữa chủ cơ sở kinh doanh và lợi ích cộng đồng. Bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, đối với các cửa hàng xăng dầu ven sông, lạch biển sẽ được cấp giấy phép tạm đến ngày 31/12/2020. Trong quá trình hoạt động, họ phải đảm bảo các quy định về an toàn cháy nổ. Sau thời điểm hết phép, phải di dời đến các điểm quy hoạch. Đối với các cửa hàng trên đường bộ, cung cấp phép tạm thời đến 31/12/2020. Trong quá trình này, nếu không nâng cấp, cải tạo thì sẽ phải di dời hoặc xóa bỏ.