Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm thương hiệu, nhãn hiệu của các doanh nghiệp nổi tiếng có xu hướng gia tăng. Mặc dù các cơ quan chức năng đã đề ra những giải pháp nhằm ngăn ngừa, xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên, tình trạng này không những không giảm mà đang có dấu hiệu tái diễn và xâm hại tới quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Một trong những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận thời gian qua là việc hàng loạt các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Qua kiểm tra, khảo sát ở một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bình, Đác Lắc, Quảng Nam,... cho thấy, tình trạng cố tình sử dụng nhãn hiệu của Petrolimex diễn ra rất phổ biến. Nhiều doanh nghiệp tự ý sử dụng nhãn hiệu Petrolimex hoặc chữ "P" trên mái cửa hàng, dán nhãn hiệu chữ "P" ở cột bơm xăng hay sơn mầu diềm mái cửa hàng (cam và xanh dương), giống hệt của Petrolimex. Hành vi này không chỉ làm ảnh hưởng đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn gây ngộ nhận đối với người tiêu dùng. Để ngăn ngừa, các đơn vị thành viên của Petrolimex đã nhiều lần gửi thư khuyến cáo, thậm chí là phản ánh tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, nhưng các vi phạm vẫn diễn ra công khai, suốt thời gian dài, đến nay chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Điều này khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu còn bao nhiêu cửa hàng vi phạm nhưng chưa được phát hiện, xử lý; với những cửa hàng “nhái” thương hiệu như vậy, chất lượng và số lượng xăng dầu khi mua liệu có được bảo đảm?...
Không riêng lĩnh vực xăng dầu, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến. Việc làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp dệt may trong nước đã làm xấu đi nghiêm trọng hình ảnh thương hiệu hàng Việt Nam; làm giảm sức cạnh tranh và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Theo một chuyên gia trong ngành dệt may, chưa bao giờ doanh nghiệp dệt may lại phải chịu sức ép lớn như hiện nay, ngoài việc phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm giá bình dân mang thương hiệu quốc tế trên thị trường nội địa, còn gặp rào cản lớn khi phải cạnh tranh với chính sản phẩm của mình bị các tổ chức, doanh nghiệp khác làm giả với giá bán chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng một phần ba so với sản phẩm chính gốc.
Có thể thấy, vi phạm về thương hiệu, nhãn hiệu diễn ra phổ biến và có chiều hướng gia tăng là do việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân bị vi phạm bản quyền chưa thật sự quan tâm và hiểu hết quyền của mình khi bị xâm phạm, vì thế không có hành động kịp thời, cần thiết để bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Để hạn chế vi phạm về thương hiệu, nhãn hiệu một cách triệt để, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức của doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Bản thân các cá nhân, doanh nghiệp sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ như đăng ký bảo hộ, chủ động phát hiện hành vi vi phạm, hướng dẫn cho người tiêu dùng cách nhận biết thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh, thậm chí truy tố những đối tượng vi phạm trước pháp luật. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát để ngăn chặn và xử lý những cán bộ bao che, tiếp tay cho vi phạm; công khai thông tin, hình ảnh các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm về thương hiệu và nhãn hiệu để người dân biết và phòng tránh.