22 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) đã trở thành đơn vị vững vàng ở các lĩnh vực dầu nhờn, nhựa đường và hóa chất. Đặc biệt, sản phẩm dầu nhờn Petrolimex ngày càng khẳng định chất lượng, được khách hàng ưa chuộng, tin dùng.
Kiểm tra thi công tại Nhà máy dầu nhờn Nhà Bè
Chủ trương đúng đắn
Từ năm 1990 trở về trước, kinh doanh dầu nhờn trên thị trường nước ta chủ yếu là hoạt động phân phối sản phẩm nước ngoài - chủ yếu của Liên Xô (cũ). Với nhận định dầu nhờn sẽ trở thành mặt hàng cạnh tranh và được nhà nước mở cửa, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam -Petrolimex) xác định: Phải có dầu nhờn thương hiệu Việt.
Để đạt được mục tiêu này một cách nhanh chóng, giải pháp hữu hiệu nhất là thông qua chuyển giao công nghệ với hãng dầu nước ngoài đồng thời thiết lập tổ chức kinh doanh độc lập.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Petrolimex: Thành công của tổng công ty được kết tinh từ tâm huyết của cán bộ lãnh đạo Petrolimex, PLC cùng sự nỗ lực hết mình vì doanh nghiệp của đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, CBCNV-NLĐ nhiều thế hệ. Đóng góp của PLC vào sự phát triển của Petrolimex rất lớn. Nỗ lực của PLC với những thành quả cụ thể được ghi nhận, thừa nhận từ nhà đầu tư, khách hàng, đối tác, bạn hàng, đông đảo người tiêu dùng (cá nhân và doanh nghiệp) tại Việt Nam và một số nước, vùng lãnh thổ. |
Từ quan điểm trên, lãnh đạo Petrolimex đã đi đến một quyết định quan trọng: Ký hợp đồng với hãng ELF của Pháp để trở thành hội viên đầy đủ của Hiệp hội Dầu nhờn Hàng hải; liên doanh với hãng BP để sản xuất và bán sản phẩm dầu nhờn BP trên thị trường.
Đến năm 1994, khi tất cả công tác chuẩn bị đã chín muồi, Petrolimex thành lập Công ty Dầu nhờn gồm Văn phòng công ty và Xí nghiệp dầu nhờn tại Hà Nội, các Chi nhánh Dầu nhờn tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (được chuyển giao từ các công ty xăng dầu Petrolimex). Ngày 9/6/1994 Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ký ban hành Quyết định số 745/TM/TCCB đồng ý thành lập Công ty Dầu nhờn.
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, nhận thức cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, PLC - một trong hai thành viên của Petrolimex đã tiên phong CPH.
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2003, cùng với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các phòng nghiệp vụ của Petrolimex và một số đơn vị thuộc Bộ Thương mại đã tiến hành định giá, đánh giá xong PLC để CPH. Ngày 31/12/2003, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex đã thành công tốt đẹp.
Xuất hàng tại Nhà máy dầu nhờn Nhà Bè
Sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được hơn 1 năm, năm 2005, lãnh đạo Petrolimex chỉ đạo PLC chuyển đổi sang mô hình “Công ty mẹ - công ty con”. Ngày 27/12/2005, PLC thực hiện chuyển sang mô hình “Công ty mẹ - Công ty con” với việc thành lập 2 công ty con: Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex và Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex.
“Giai đoạn 2003 - 2005 là sự khởi đầu mới cho thành công của PLC ngày hôm nay”- ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc PLC nhấn mạnh.
Sau khi chuyển sang mô hình “Công ty mẹ - Công ty con”, ngày 27/12/2006, PLC chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PLC. Năm 2007, PLC chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của PLC tăng trên 800 tỷ đồng, trong đó Petrolimex nắm giữ 79,07% tổng vốn điều lệ; các cổ đông khác chiếm 20,93%.
Dầu nhờn Petrolimex - khẳng định chất lượng hàng đầu
Theo ông Nguyễn Văn Đức, tại Việt Nam, thị trường dầu mỡ nhờn có sự cạnh tranh quyết liệt. Cạnh tranh chủ yếu ở 2 phương diện: Chất lượng và giá cả. Về chất lượng, dầu mỡ nhờn do PLC sản xuất, cung cấp ra thị trường có chất lượng không thua kém bất cứ các hãng nào trên thế giới trong lĩnh vực này. Cũng dầu gốc ấy, cũng các loại phụ gia ấy, cũng công nghệ ấy - các hãng dầu nhờn trên thế giới làm như thế nào, PLC hiện nay cũng làm như vậy, ở trình độ tiên tiến như vậy. Dầu gốc được PLC nhập khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu trên thế giới và khu vực: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singaopre, Đài Loan, Thái Lan. Giá bán thấp hơn so với các sản phẩm cùng chủng loại và chất lượng của các hãng khác. Vì vậy, dầu nhờn Petrolimex được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, sản lượng, doanh thu tiêu thụ ngày một tăng.
PLC có 2 nhà máy hiện đại tại Thượng Lý (TP. Hải Phòng) và Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), công suất hiện nay 50.000 tấn sản phẩm/năm, đang mở rộng lên 100.000 tấn/năm. Các nhà máy của PLC hiện đại nhất Việt Nam và ngang tầm thế giới. Trong thời gian từ 2006 - 2014, PLC được Tập đoàn Nippon Oil Nhật Bản lựa chọn, ký hợp đồng pha chế dầu nhờn để cung cấp cho các phương tiện ôtô, xe máy và nhiều máy móc thiết bị khác của Nhật Bản đang họat động tại Việt Nam, như: Honda, Yamaha, Suzuki, Kubota…
Là đối tác của Total Lubmarine, PLC sản xuất, phân phối và giao hàng dầu mỡ nhờn hàng hải tại trên 1.000 cảng biển trên toàn cầu. Trong đó, Nhà máy Dầu nhờn Thượng Lý (Hải Phòng) được Total Lubmarine Paris lựa chọn để sản xuất và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu kinh doanh dầu mỡ nhờn hàng hải tại các thị trường: Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan.
Hiện nay, trên thị trường nội địa, PLC đang “làm chủ” nhiều kênh bán hàng: Thứ nhất là kênh bán hàng qua hệ thống phân phối gồm các tổng đại lý là công ty, chi nhánh xăng dầu Petrolimex trên phạm vi cả nước. Đây là kênh bán hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng 57 - 60% tổng sản lượng bán nội địa. Đối với kênh bán hàng này, PLC đứng “tuyến sau”, hỗ trợ chính sách, hoạt động dịch vụ, hỗ trợ thương hiệu, phát triển khách hàng công nghiệp, đào tạo kỹ thuật thương phẩm, kỹ năng bán hàng... Thực tế, trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương, chúng tôi rất ấn tượng với hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn Petrolimex tại công ty, chi nhánh xăng dầu thành viên của Petrolimex. Miền Bắc có thể kể đến Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang; miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Khánh; xa hơn nữa là các tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk; các Tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây Nam bộ… Hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn Petrolimex lan tỏa khắp mọi miền hết sức sôi động.
Kênh thứ hai, PLC bán trực tiếp cho khách hàng công nghiệp trên toàn quốc: khai thác khoáng sản, vận tải đường sắt, điện lực, mía đường, thép. Thứ ba, kênh bán hàng cho khách hàng hàng hải là các công ty vận tải biển trong và ngoài Petrolimex như Vinalines, Vosco và các công ty tàu biển của Petrolimex (Vitaco, Vipco, PTS Hải Phòng, Pjitaco, hay bán dầu nhờn cho xà lan, tàu biển, tàu sông. Kênh thứ tư là kênh bán cho các khách hàng thương mại về dầu mỡ nhờn phuy, thùng, xô và kênh thứ năm là bán trực tiếp dầu lon hộp bao bì nhỏ từ 6 lít trở xuống cho các điểm sửa xe, rửa xe, gara ôtô, xe máy….
Loại trừ những yếu tố đột biến, tăng trưởng trung bình hàng năm của PLC khoảng 5 - 8%. Đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội: Hơn 20 năm sử dụng sản phẩm dầu nhờn Petrolimex, tôi thấy chất lượng luôn luôn đảm bảo, giá cả cạnh tranh, thời gian giao hàng kịp thời. Về mặt kỹ thuật, PLC hỗ trợ rất nhiều cho xí nghiệp như lấy hóa nghiệm trong quá trình sử dụng dầu để đánh giá chất lượng phù hợp với đầu máy. Gần đây, dầu nhờn Petrolimex được thử nghiệm trên đầu máy xe lửa đổi mới (hơn 50.000 km), có thể khẳng định dầu nhờn chất lượng rất tốt. Kết quả hóa nghiệm cho thấy dầu nhờn PLC có ưu thế vượt trội. |