Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo: Hoàn thiện thể chế về DNNN để hội nhập thành công

 09:15 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Mười, 2016

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang hội nhập một cách mạnh mẽ, đem lại những thành tựu đáng khích lệ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trên mặt trận ngoại giao. Hội nhập đang bước vào giai đoạn sâu rộng, nó đòi hỏi thể chế phải hoàn thiện hơn nữa để lĩnh vực kinh tế phát triển bền vững mà nòng cốt là kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tạp chí Công Thương (TCCT) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung trả lời phỏng vấn của tiến sĩ Bùi Ngọc Bảo - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

TCCT:Thưa ông, chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ. Câu chuyện thuế suất nhập khẩu xăng dầu gần đây là một ví dụ. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xin ông vui lòng cho biết ý kiến của mình về chính sách, pháp luật của chúng ta hiện nay về lĩnh vực kinh tế?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Đây là vấn đề lớn. Khái quát mà nói, chúng ta đều thấy là các chính sách, pháp luật đến nay đã ngày càng định hình rõ hơn về mục tiêu, đặc trưng và cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo khuân khổ pháp lý đồng bộ, thuận lợi hơn cho sự vận hành của doanh nghiệp (DN).

Môi trường đầu tư, kinh doanh đang được cải thiện, bình đẳng và thông thoáng hơn, nâng cao hơn vai trò, sức cạnh tranh của các chủ thể, các loại hình DN; huy động tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước.

Quyết tâm cải cách thể chế đã được thể hiện trong việc ban hành và thực thi Hiến pháp 2013, Luật DN, Luật Đầu tư, Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ... Các nỗ lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA EU - Việt Nam… đã tạo ra những động lực mới thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình hoàn thiện thể chế phù hợp với sự chuyển đổi nền kinh tế.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu phương hướng hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN trong nhiệm kỳ tới, đưa ra khái niệm rõ ràng, đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cũng như vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

TCCT:Petrolimex là một tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu Việt Nam. Vậy, sự hội nhập của Petrolimex đã bắt đầu chưa và đang ở mức nào, thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Petrolimex là DN hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hạ nguồn, do tính chất ngành nghề nên từ lâu đã mở rộng hợp tác với hàng trăm hãng lớn, có uy tín trên thế giới.

Có thể nói, Petrolimex đã hội nhập và liên kết quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện, hoạt động hoàn toàn theo thông lệ và luật lệ quốc tế.

Tại Việt Nam, trong suốt 60 năm phát triển của mình, Petrolimex đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chủ lực của Nhà nước trong việc bình ổn thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu về xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Vừa qua, việc ban hành Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu là một thành công rất lớn mà nhiều nước trong khu vực như Malaysia,… chưa làm được.

Đây là thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Chính phủ trong việc đưa thị trường xăng dầu vận hành một cách đầy đủ theo thị trường, đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Đây cũng chính là một đổi mới về thể chế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trong quá trình hội nhập sau hơn 10 năm kể từ Quyết định 187 về xăng dầu (năm 2003).

TCCT:Vâng, rõ ràng là chúng ta đang hoàn thiện, do vậy vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo ông, từ thực tiễn của mình, của Petrolimex, nên đặt vấn đề hoàn thiện thể chế về DNNN như thế nào để hội nhập thành công?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Theo tôi, có 5 vấn đề sau.

Thứ nhất, phải tiếp tục kiên định với định hướng kinh tế thị trường XHCN với các đặc trưng: hiện đại, năng động và hiệu quả; xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường.

Đối với những lĩnh vực DNNN được độc quyền tự nhiên, về lâu dài, ngay khi thị trường tăng trưởng đến mức hấp dẫn DN tư nhân và khi môi trường kinh doanh đủ điều kiện cho cuộc cạnh tranh hiệu quả giữa các DN, thì phải từ bỏ độc quyền, mở cửa thị trường cho DN tư nhân.

Làm rõ chức năng về “công cụ chủ đạo, điều tiết thị trường” của các DNNN đó là: Nhà nước với vai trò “kiến tạo phát triển thị trường” thông qua các DNNN, đảm bảo tuân thủ theo các nguyên tắc: (1) Chỉ can thiệp vào nơi và khi thị trường đã tỏ ra bất lực; (2) Nguyên tắc trợ giúp; (3) Hạn chế đến mức thấp nhất tác động làm sai lệch môi trường cạnh tranh, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Các DN có trách nhiệm tuân thủ tuyệt đối để đảm bảo cơ chế, chính sách đó theo đúng mục tiêu. Thực tế cho thấy, các năm qua, khi cần bình ổn thị trường xăng dầu bằng các chính sách về giá, về thù lao đại lý… các DNNN đã đóng vai trò tích cực và chấp hành nghiêm túc, tuy nhiên, đối với các DN tư nhân, một phần do việc kiểm soát chưa chặt, việc chấp hành còn chưa đúng nên gây ra ảnh hưởng không tốt đến thị trường.

Thời gian qua, việc áp dụng một số các cơ chế đặc thù trong hoạt động quản trị của một số DN như Viettel đã có những thành công nhất định, cần thiết phải có tổng kết, đánh giá lại việc áp dụng các cơ chế đặc thù cho hoạt động quản trị (ngoại trừ các đặc thù mang tính chính sách như thuế, phí…) cho DN để từ đó đưa ra những chính sách chung phù hợp nhất để áp dụng cho các DN.

Thứ hai, hiện nay giữa thông lệ quốc tế và thực tiễn quản trị các DN DNNN ở Việt Nam vẫn còn nhiều một số điểm cần hoàn thiện như sau:

- Chính phủ cần phân tách rõ chức năng điều tiết kinh tế, các chính sách an sinh xã hội và cung cấp tiện ích công cộng của Nhà nước với hoạt động của DNNN.

Sự hạch toán mạch lạc này tránh hiện tượng DNNN dựa dẫm vào việc thực hiện các chính sách công để biện minh cho hoạt động kém hiệu quả của mình.

Chương trình 30a của Chính phủ là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo được phong trào sâu rộng trong toàn xã hội, tuy nhiên nếu không đề cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình vừa để ngăn chặn tham nhũng, lãng phí, vừa để kiểm soát được hiệu quả đầu tư cho an sinh xã hội thì dễ dẫn đến tình trạng sử dụng như một nguồn “ngân sách thứ cấp” chứ không phải từ nhu cầu, trách nhiệm của DN.

Do vậy, cần đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách cũng như cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực rất quan trọng này.

- Phải xác định trách nhiệm của cơ quan đại diện quyền sở hữu của Nhà nước là một cổ đông trong DN, Nhà nước phải tuyệt đối tôn trọng ý kiến của Đại hội cổ đông mà phù hợp với quy định Pháp luật; nếu không sẽ là một rủi ro làm cản trở và chậm quá trình tái cơ cấu của các DNNN.

- Nhà nước cần tạo điều kiện cho sự tham gia của các cổ đông chiến lược nước ngoài trong DNNN, có quyền tham gia vào các mục tiêu của DNNN và giám sát thực hiện các mục tiêu đó.

- Phải áp đặt kỷ luật minh bạch tài chính và tiết lộ thông tin cần thiết để giám sát quá trình sử dụng vốn, quản lý đối với DNNN; tiêu chuẩn hạch toán, kiểm toán, công khai hóa thông tin phải tương tự như các công ty đại chúng được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán; đặc biệt đối với những DNNN được hưởng độc quyền và các DNNN ít chịu sức ép của kỷ luật thị trường và tự do cạnh tranh.

- Tiêu chí về hiệu quả quản lý của Ban lãnh đạo DNNN phải theo các mục tiêu xác định, đúng chuẩn mực quốc tế, các cơ chế, chính sách đối với nhóm đại diện vốn cũng cần tránh tình trạng “công chức hóa” doanh nhân.

Ngoài ra, cần phải rõ ràng những tiêu thức hết sức cụ thể đối với Người đại diện vốn giữ các chức danh quan trọng trong DNNN (Chủ tịch/Tổng giám đốc), bám sát với các tiêu chí và yêu cầu của hội nhập, đảm bảo là người đại diện ưu tú nhất của DN trong mắt bạn bè quốc tế và khu vực.

Thứ ba, cần tiếp tục hoàn thiện về năng lực xây dựng và chất luợng văn bản pháp lý DN, giảm hiện tượng một số văn bản trái luật hoặc mâu thuẫn giữa các quy định gây nhiều lúng túng cho DNNN.

Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập kinh tế quốc tế và có một lộ trình cụ thể để các DN căn cứ vào đó xây dựng chiến lược của mình, sắp xếp lại cơ cấu, chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm hội nhập có hiệu quả hơn.

Thứ năm, cần hoàn thiện mạnh mẽ hơn về các thể chế, chế tài nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ để DNNN có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.

TCCT:Cá nhân ông, ông có tin rằng chúng ta sẽ hội nhập thành công không thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa quan trọng, lâu dài đối với đất nước.

Để thực hiện thắng lợi chủ trương này, các DNNN cần đi đầu và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành.

Song cũng rất cần Nhà nước hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho DN sản xuất và kinh doanh.

Với niềm tin sâu sắc, Petrolimex và cộng đồng DN Việt Nam tin tưởng rằng, Chính phủ cùng với các bộ, ban, ngành sẽ sớm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; sẽ có những quyết sách đúng đắn và phù hợp, giúp các DN Việt Nam ngày càng phát triển, nhanh chóng khẳng định được vị trí trong khu vực và trên thế giới.

TCCT:Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn:  Thúy Hà
Tạp chí Công Thương