Tạp chí Công Thương (TCCT) có nhiều dịp đi thực tế tại các đơn vị thành viên Petrolimex - ở đâu cũng thấy anh em hát Bài ca Petrolimex do Nhạc sĩ Văn Dung sáng tác. Mới đây, Truyền hình cáp SCTV đã thực hiện một chương trình ký dự dài kỳ về Petrolimex cũng sử dụng tác phẩm này xuyên suốt các tập phim.
Nhân 60 năm Petrolimex, TCCT đã có buổi trò chuyện cùng người Nhạc sĩ tài hoa này về Bài ca Petrolimex - xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Hồi tưởng lại, Petrolimex có những đóng góp hết sức to lớn
PV: Trân trọng cảm ơn Nhạc sĩ Văn Dung đã nhận lời trả lời phỏng vấn của TCCT. Xin Nhạc sĩ vui lòng cho biết, Bài ca Petrolimex được ra đời trong bối cảnh như thế nào?
Nhạc sĩ Văn Dung: Đối với Petrolimex cũng như ngành Xăng dầu cách mạng Việt Nam, tôi đã biết từ rất lâu rồi, từ những năm kháng chiến đầy gian khó; đặc biệt, chống Mỹ đánh phá miền Bắc bằng không quân.
Tôi đã đi thực tế tại rất nhiều cơ sở xăng dầu,… ngắm nhìn những con tàu Petrolimex chở xăng dầu từ những nơi xa xôi về cho đất nước, tôi đã đi suốt dọc Trường Sơn thấy những ống dẫn dầu cũng vượt Trường Sơn vào miền Nam.
Tất cả đã có trong tôi từ rất lâu. Tôi đã đến với Petrolimex, đi thực tế nhiều nơi cùng các anh em làm công việc của Petrolimex.
Gần đây, những dịp năm chẵn chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập, Petrolimex đã mời rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta đi thực tế để sáng tác.
Nhưng khi chuẩn bị kỷ niệm 55 năm, lãnh đạo Petrolimex có đến gặp và nói với tôi: Petrolimex định phát động phong trào mời các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp của cả nước viết về Petrolimex. Có doanh nghiệp lớn của chúng ta, cũng trong lĩnh vực xăng dầu đã làm như vậy. Nhưng như vậy là lớn quá, chưa hy vọng sẽ có 1 bài về Petrolimex.
Vậy nên, lãnh đạo Petrolimex đặt kỳ vọng vào một mình tôi, mời tôi đi thực tế sáng tác.
Các anh lãnh đạo Petrolimex có nói: “Nhạc sĩ đã gắn bó thân thiết với Petrolimex trong nhiều năm, Nhạc sĩ có con mắt tinh đời và tinh thần lạc quan, vậy nên anh em Petrolimex gửi niềm tin và hy vọng vào Nhạc sĩ”.
Đây là một câu chuyện đặc biệt và đối với tôi điều đó hết sức khó khăn !.
Khi tôi nhận lời rồi, các anh ấy nói tiếp: “Chúng em đánh cược ý định phát động sáng tác về Petrolimex bằng việc mời một mình Anh thôi!".
Tôi cũng tâm sự rằng: “Tôi là một người cũng hiểu về Petrolimex, nhưng chỉ là đi qua Petrolimex” và để hiểu về tâm tư, tình cảm thì các anh lãnh đạo có đưa tôi đi rất nhiều nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đức Giang...
Khi đi thì tôi đã hiểu ra tại sao mình nhận viết một bài lại khó như vậy? Nhưng bằng tình cảm tin cậy gửi gắm của các anh lãnh đạo, CBCNV-NLĐ Petrolimex, tôi nghĩ nếu mình đem tất cả sự hiểu biết của mình, sự trải nghiệm của mình từ những năm kháng chiến đến khi xây dựng hòa bình thì Petrolimex đóng góp những gì? Thì tôi thấy rất lớn, lan tỏa rộng, như: Muốn phát điện phải có xăng dầu, về giao thông vận tải, các xí nghiệp… đều phải có xăng dầu mới làm được.
Bài hát tôi viết là cả một liên khúc, là tổng thể của 3 đoạn gắn kết với nhau, bài ca Petrolimex là đoạn cuối cùng.
Ta thấy hàng ngày chúng ta sống rất bình thường, nhưng những người làm Petrolimex, họ làm việc 24/24h, làm việc không ngừng nghỉ nên có câu: “Chào một ngày mới nhịp đời sinh sôi, chào những con người tháng năm miệt mài - “miệt mài” như thế nào? Trên những con đường băng băng qua, đây là tôi nói về giao thông. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không có xăng dầu để chuyển tải qua các con đường về Trường Sơn thì làm sao có những chuyến xe đi qua Trường Sơn, làm sao có giao thông vận tải trên Trường Sơn…
Tất cả đã làm cho tôi hồi tưởng lại, trong cuộc sống, trong chiến đấu, trong xây dựng hòa bình thì Petrolimex có những đóng góp hết sức to lớn.
Đấy có thể nói là bối cảnh để tôi sáng tác ra Bài ca Petrolimex vào tháng 7/2010.
Nhạc sĩ Văn Dung - tác giả Bài ca Petrolimex
Chính những người làm ở Petrolimex họ thấy chính mình đang trong đó mới là điều quan trọng
PV: Nghe Bài ca Petrolimex lần đầu tiên thì ai cũng nhớ ngay câu “Chào một ngày mới”. Khi lần đầu tiên tác phẩm này lên sóng VOV-GT, anh Lê Sang (là người đưa tác phẩm này lên sóng) được anh em trong Đài đặt tên là “Mister Chào một ngày mới”. Tại sao Nhạc sĩ không đặt tên cho tác phẩm này là “Chào một ngày mới”?
Nhạc sĩ Văn Dung: Không thể đặt tên bài hát là “Chào một ngày mới” được !.
Bài hát là một liên khúc gồm 3 đoạn, là tổng thể kết lại tất cả những gì Petrolimex đã làm: Từ phục vụ những ngày còn kháng chiến, cho tới khi hòa bình xây dựng đất nước.
Bài hát đã khái quát lên lịch sử ngắn gọn về Petrolimex từ những ngày đầu, đặc biệt trong những năm chống Mỹ cứu nước vai trò của Petrolimex lớn lao.
Các cán bộ, công nhân viên Petrolimex
PV: Trong tác phẩm này, Nhạc sĩ tâm đắc nhất đoạn nào, ca từ nào và đâu là đặc trưng Petrolimex khác biệt với các tác phẩm về ngành nghề khác, doanh nghiệp khác; ví như “Tôi là Người thợ lò” Nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác về ngành Than vậy?
Nhạc sĩ Văn Dung: Không một nhạc sĩ nào tâm đắc bài hát của mình vì khi mình tâm đắc nhưng công chúng không hưởng ứng thì cũng không để làm gì !
Cái mình sung sướng nhất là công chúng nhớ đến bài hát của mình, hát bài hát của mình. Đặc biệt, Petrolimex coi như bài hát của họ đó là điều làm tôi rất vui.
PV: Sắp tới đây (ngày 12/01/2016), Petrolimex tròn 60 năm. Ai trong chúng ta cũng đều biết Petrolimex đã gắn bó mật thiết với đất nước trong các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, của 2 cuộc kháng chiến vệ quốc và dựng xây đất nước hiện nay. Nhạc sĩ đã thể hiện cái cốt lõi thông tin này của Petrolimex ở đoạn nào, bằng ca từ nào trong tác phẩm Hát cùng chúng tôi Bài ca Petrolimex?
Nhạc sĩ Văn Dung: Nếu nói về người sáng tạo, mỗi người nói về cách khác nhau !.
Khi viết về Petrolimex tôi có những trách nhiệm rất lớn, làm sao nói hết được sự cống hiến của Petrolimex từ khi thành lập cho tới ngày nay.
Vì người ta có thể nói âm nhạc là cuốn sử thi bằng âm thanh, làm sao để chính những người làm việc ở Petrolimex họ thấy chính mình đang trong đó - đấy mới là điều quan trọng đối với tôi.
Đằng sau những nốt nhạc là cả một thế giới nội tâm của người sáng tạo
PV: Bên cạnh ca từ, Nhạc sĩ đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật nào cho tác phẩm âm nhạc này; ví như nhịp, phách, giai điệu,… chẳng hạn?
Nhạc sĩ Văn Dung: Các thủ pháp nghệ thuật như: nhịp, phách, giai điệu… Cái này gọi là học thuật nhưng lại không liên quan đến nghệ thuật vì khi ta quá chú ý đến học thuật, kỹ thuật thì âm nhạc sẽ không có hồn nữa.
Đằng sau những nốt nhạc theo tôi nghĩ là cả một thế giới nội tâm của người sáng tác.
Trong âm nhạc, những nốt nhạc tạo ra những hình tượng, tình cảm mà mọi người thấy được có mình trong đó, đấy mới là điều cốt lõi.
Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc cất tiếng nói của mình. Đó là âm nhạc !
PV: Dường như tác phẩm này chỉ dành cho nhiều người hát, tại sao nó không phải là đơn ca; nếu đơn ca có được không?
Nhạc sĩ Văn Dung: Bài hát có 3 đoạn. Có những đoạn lĩnh xướng hoặc đơn ca được. Còn tổng thể bài hát không thể hát đơn ca được hoặc tách ra làm bài đơn ca được.
Bài hát đơn ca họ sẽ nghĩ đến khía cạnh khác, khi viết nhạc - tôi đứng về phía người nghe, viết về sự hân hoan của anh chị em trong Petrolimex mà ngày nào họ cũng vất vả nhưng họ vẫn ánh lên vẻ hạnh phúc.
“Chào một ngày mới nhịp đời sinh sôi, chào những con người tháng năm miệt mài“ thể hiện sự lạc quan vui vẻ. Hình tượng không phải cái xe, mà là sự vui vẻ trào dâng trên từng cung bậc đó.
PV: Nhạc sĩ nói “Cuộc sống thì hiển thị trước mặt tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng nhìn thấy được cái bản chất của cuộc sống”. Nhạc sĩ đã nhìn thấy gì khi đi thực tế tại Petrolimex và đã đưa vào tác phẩm Bài ca Petrolimex như thế nào?
Nhạc sĩ Văn Dung: Có thể nói âm nhạc là cuộc sống hằng ngày. Không phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy âm nhạc. Mỗi một nhạc sĩ nhìn theo cách khác nhau .
Ví dụ như tôi đi Trường Sơn nhìn thấy sự chết chóc, nhưng tôi không thể hiện cái đó mà tôi thể hiện niềm tự hào, sự biết ơn, tri ân đối với bao nhiêu thế hệ tuổi trẻ Việt Nam đã ngã xuống trong những năm kháng chiến cứu nước…
Ở Bài ca Petrolimex, tôi đã hóa thân thành người của Petrolimex, thấy mỗi ngày làm việc của họ đầy ý nghĩa, cuộc sống trong xã hội đang phát triển. Petrolimex "Chào một ngày mới, nhịp đời sinh sôi” - họ tự chào họ và họ chào tất cả mọi người đang cần cù lao động như họ.
Petrolimex cũng giống như tất cả mọi người chúng ta; nhưng làm sao trong âm nhạc, ý tưởng phải khác tất cả các ngành nghề khác - đó là sự khác biệt Petrolimex nhưng vẫn ở trong cái tổng hòa của đất nước và tinh thần của con người Việt Nam chúng ta, bạn bè của chúng ta.
Nhìn và thấy là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Để thấy được điều gì đó cần phải có một tấm lòng, một nhân sinh quan rộng mở và đôi khi là nhiều đêm không ngủ, vấn vương.
Kỷ niệm là sự kết tinh của cảm xúc
PV: Khi nói về Petrolimex, Nhạc sĩ muốn nhắc nhớ đến điều gì nhất, tại sao và có kỷ niệm nào liên quan không ạ?
Nhạc sĩ Văn Dung: Kỷ niệm thì rất nhiều, nhưng đối với tôi không có một kỷ niệm nào cụ thể cả.
Tôi ví dụ như Trường Sơn tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng không nói kỷ niệm nào sâu sắc nhất vì một phần đời mình đã gắn bó với Trường Sơn. Nó sẽ mang theo trong đời mình mãi mãi, kể cả sự vinh quang và nỗi mất mát, nỗi buồn, niềm vui đều trong tôi. Kỷ niệm là sự kết tinh của cảm xúc đọng lại trong sâu thẳm trái tim mình.
Những việc làm của Petrolimex rất đúng đắn, rất đáng ca ngợi để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Tôi đã cảm nhận được và viết nên như vậy.
PV: Xin Nhạc sĩ vui lòng nói đôi lời nhân Petrolimex kỷ niệm 60 năm thành lập vào ngày 12/01/2016 sắp tới đây?
Nhạc sĩ Văn Dung: Sắp tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của Petrolimex, tôi cũng muốn gửi gắm tới các cán bộ công nhân viên của Petrolimex luôn luôn làm đúng với những gì tôi đã phản ánh trong Bài ca Petrolimex từng ngày cố gắng để phát triển, để tiếp tục phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho xã hội ngày càng phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn Nhạc sĩ Văn Dung. Kính chúc Nhạc sĩ và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều may mắn và các tác phẩm âm nhạc của Nhạc sĩ, trong đó có Bài ca Petrolimex sẽ luôn đi cùng năm tháng.